Trang chủ Văn hóa Tương lai phục hồi toàn cầu trong kỷ nguyên của các biến...

Tương lai phục hồi toàn cầu trong kỷ nguyên của các biến chủng mới

Chính phủ các nước lúc này đang tìm cách vừa có thể sống chung với virus, vừa tiếp tục lộ trình hồi phục và tái mở cửa. Từ một góc độ nào đó, sự xuất hiện của Omicron có thể được coi là dịp để thế giới tập dượt cách phản ứng trong tương lai sống chung với Covid-19.

Mỗi nước sống chung với Omicron theo cách riêng

Từ đầu đại dịch, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của các biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là đáng lo ngại hoặc đáng quan tâm như Alpha, Beta, Gamma, Mu…

Khi Delta xuất hiện, biến chủng này đã soán ngôi các chủng khác để chiếm vị thế thống trị toàn cầu với khả năng lây lan nhanh. Theo thời gian, các nước trên thế giới đã phần nào học được cách ứng phó Delta và dần mở cửa trở lại với tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao.

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng ngừa Covid-19 tại bệnh viện gần Johannesburg, tỉnh Gauteng – nơi từng là điểm nóng Omicron của Nam Phi. Ảnh:AP.

Nhưng hy vọng phục hồi hậu đại dịch tiếp tục bị dội gáo nước lạnh khi Omicron – biến chủng mới với số lượng đột biến nhiều bất thường – xuất hiện lần đầu tại Nam Phi vào cuối tháng 11/2021. Rất nhanh chóng, Omicron đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Khi Omicron mới xuất hiện, WHO và các nhà khoa học trên nhiều châu lục đều lên tiếng cho rằng còn nhiều điều chưa biết về biến chủng này. Mức độ báo động của các nước chưa chắc đã tương xứng với sự nguy hiểm của Omicron.

“Tôi rất hiểu lo ngại của mọi quốc gia trong việc bảo vệ công dân trước biến chủng chúng ta chưa hiểu rõ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 30/11/2021 nói và kêu gọi các nước không phản ứng thái quá trước Omicron.

Nhưng phản ứng nhanh chóng của các nước cho thấy sau gần 2 năm bị cho là phản ứng chậm, nhiều nhà hoạch định chính sách thà phản ứng thái quá trước mối đe dọa mới còn hơn là phản ứng không quyết liệt, theo New York Times.

Nhiều quốc gia nhanh chóng đưa ra lệnh hạn chế đi lại với người tới từ một số nước ghi nhận biến chủng mới, đặc biệt là đối với Nam Phi.

“Chúng tôi đi theo con đường cẩn thận tối đa”, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói ngày 26/11/2021 – thời điểm Omicron được WHO xếp vào danh sách biến chủng đáng ngại.

Cùng ngày 26/11/2021, Italy, Israel, Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu đồng loạt ra quy định tạm thời cấm người nhập cảnh nước ngoài từng đi qua Nam Phi và một số nước láng giềng.

Nhật Bản có biện pháp mạnh tay hơn và hiện chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân và thường trú nhân nước ngoài trở về nước.

Thông báo an toàn Covid-19 tại sảnh đi của sân bay quốc tế Narita vào ngày 30/11/2021 – ngày đầu tiên Nhật Bản đóng cửa biên giới để ngăn Omicron. Ảnh:Reuters.

Một số nước như Philippines và Australia thậm chí phải tạm dừng kế hoạch mở cửa biên giới với người đã tiêm chủng đầy đủ từ một vài nơi. New Zealand phải tạm hoãn kế hoạch mở cửa theo từng giai đoạn vì lo ngại tốc độ lây lan của Omicron.

Với nền tảng y tế vững chắc, đảo quốc sư tử đã nỗ lực để không phải lật ngược kế hoạch mở cửa dần đất nước. Cách tiếp cận này đang được cả thế giới dõi theo vì đây có thể là bản thiết kế cho cách ứng phó phù hợp trước những biến chủng mới trong tương lai.

Xây dựng nền tảng chống dịch từ sớm

Từ trước, chính phủ Singapore đã luôn chống dịch dựa trên đánh giá tình hình thực tế cũng như ý kiến của giới khoa học.

Đảo quốc sư tử nằm trong số ít quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên chuyển từ “Zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19”, khi chủng Delta khiến việc loại bỏ hoàn toàn virus trở thành điều không thể.

Sau một thời gian siết chặt quy định giới hạn chống dịch để có thời gian đẩy cao tỷ lệ tiêm chủng cho người dân, Singapore từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Một người đàn ông được tiêm chủng tại Singapore vào tháng 3/2021. Ảnh:Reuters.

Nhờ sự thay đổi chính sách và chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, đảo quốc sư tử đến nay đã tạo được nền tảng vững chắc để đảm bảo an toàn y tế cho người dân, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng cao (87% dân số tiêm đủ hai mũi, 44% tiêm mũi 3 tính tới ngày 5/1), khả năng tiếp nhận của bệnh viện đã được mở rộng, và tốc độ mở cửa từ từ, cẩn trọng.

Nền tảng nói trên chính là chìa khóa giúp Singapore có thể trì hoãn đưa ra các quy định hạn chế quyết liệt khi WHO phát cảnh báo về Omicron

Trong tình hình dịch bệnh toàn cần gia tăng, chính quyền Singapore đã có những động thái trong việc điều chỉnh các quy định nhập cảnh, song song với việc trở thành quốc gia sống chung với Covid-19.

Cụ thể, từ ngày 26/12/2021, đảo quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với 10 quốc gia châu Phi như Nigeria, Nam Phi, Mozambique… Các hành khách từ các quốc này phải tuân thủ quy định nhập cảnh dành cho các quốc gia thuộc nhóm 4.

Bên cạnh đó, từ ngày 7/1, Singapore cũng nới lỏng các biện pháp nhập cảnh dành cho du khách không qua chương trình Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng (VTL).

Theo đó, những du khách đến từ các quốc gia thuộc nhóm 2, 3 và 4 không cần thực hiện xét nghiệm Covid-19 ngay khi nhập cảnh. Thay vào đó, họ chỉ cần tự cách ly trong 7-10 ngày và xét nghiệm PCR sau khi kết thúc cách ly. Chỉ hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính mới có thể kết thúc cách ly.

Với cách tiếp cận thực tế, Singapore đồng thời cũng thể hiện rằng họ vẫn thận trọng và không ngại thắt chặt các biện pháp chống dịch nếu cần thiết.

Trong một bài viết trên Facebook, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho rằng trong lúc chờ đợi thông tin về Omicron, chính phủ Singapore “nên có cách tiếp cận thận trọng và có các biện pháp thích hợp để kiểm soát Omicron, không để biến chủng này bám rễ trong cộng đồng”.

“Khi chúng ta hiểu rõ về biến chủng này, tôi tin rằng chúng ta sẽ học được cách sống chung với Omicron, giống như học cách sống chung với biến chủng Delta”, Bộ trưởng Ong viết.

Exit mobile version