Trang chủ Văn hóa Thăm chợ vintage tại Thảo Điền cuối tuần

Thăm chợ vintage tại Thảo Điền cuối tuần

Ngày cuối tuần, bà Delphine Rousselet (48 tuổi, quốc tịch Pháp) cùng con gái tới khu chợ trên đường Nguyễn Duy Hiệu (TP Thủ Đức, TP.HCM) để mua sắm. Người phụ nữ này chỉ mất hơn 3 phút chạy xe máy đến nơi này.

Vừa vào gian hàng đầu tiên, 2 mẹ con đã bị mê mẩn bởi vòng, nhẫn, dây chuyền, khăn quàng cổ,… Lựa được vài món đồ yêu thích, bà bất ngờ với giá cả phải chăng.

“Lâu rồi tôi chưa về Pháp, những món đồ gợi tôi cảm giác quen thuộc. Mọi thứ ở đây thật đẹp và cổ điển”, bà Rousselet thốt lên.

Mới mở cửa vài phiên, chợ vintage tại Thảo Điền nằm trong không gian nhỏ hẹp nhưng thu hút đông tiểu thương lẫn khách tới tham quan. Nơi đây hội tụ nhiều món đồ độc, lạ và là nơi mua sắm lý tưởng cho những “tín đồ” của phong cách vintage.

Những món đồ độc, lạ

“Tôi đang tìm một bộ ấm trà theo phong cách xưa để sử dụng trong dịp Tết mà chưa tìm được địa chỉ để mua. Vô tình xem trên mạng, thấy được phiên chợ này nên tôi tìm đến và rất vừa ý với món hàng vừa lựa được”, Như Phương (28 tuổi) chia sẻ vội với Zing về trải nghiệm ở phiên chợ và tiếp tục dành thời gian tìm thêm một chuỗi hạt ngọc để phối cùng áo dài mới mua.

Bạn Huyền Trâm (23 tuổi, quận Bình Thạnh), chủ cửa hàng có tên “Lưu giữ ký ức” đem đến phiên chợ nhiều sản phẩm thủ công làm bằng hoa khô kết hợp với chất kết dính. Nhiều khách hàng từ tò mò với món đồ lạ đã ghé gian hàng tìm hiểu và nhanh chóng “chốt đơn”. Đây là lần đầu tiên Trâm đem sản phẩm của mình đến một phiên chợ “trình làng” và nhận được nhiều đơn đặt hàng theo yêu cầu sau ngày bán đầu tiên.

“Các sản phẩm thủ công của tôi được thực hiện theo phong cách vintage, phù hợp với tiêu chí của khu chợ. Hàng của tôi không sản xuất hàng loạt mà mỗi mẫu chỉ có một món, khách hàng yêu thích vì sở hữu được những món đồ độc nhất”, Trâm bày tỏ.

Chị Thùy Nam, chủ một gian hàng tại phiên chợ cũng bày bán trang sức, phụ kiện nhập từ Nhật mang phong cách cổ điển. Gian hàng của chị thu hút nhiều khách nước ngoài tới tham quan mua sắm, trong đó có cả người Nhật sinh sống tại khu Thảo Điền.

“Đây là những mặt hàng tôi sưu tầm được. Mỗi món chỉ có duy nhật một cái. Khách hàng thích mua vì sự độc đáo và nét cổ điển của nó”, chị Nam chia sẻ.

Không chỉ có mặt hàng thủ công hay nhập từ các nước châu Á, hàng hóa châu Âu cũng xuất hiện nhiều tại phiên chợ, gồm đồ trang trí, trang sức, chén dĩa. Những món hàng này đa phần đã qua sử dụng và mỗi mẫu chỉ có số lượng giới hạn.

Điểm đến của những người cùng “gu”

Anh Hoài Nam (người sáng lập khu chợ) cho biết từng có thời gian tham quan các khu chợ vintage tại các nước châu Âu và bị hút hồn bởi phong cách tại đây. Do đó, anh ấp ủ dự định thực hiện một khu chợ quy tụ những người yêu thích phong cách này đến trao đổi, mua bán.

Khu Thảo Điền có vị trí địa lý và nhiều yếu tố thuận lợi để anh thực hiện hóa ý tưởng của mình. Vừa mới mở từ cuối năm, phiên chợ đã thu hút nhiều người tới đặt gian hàng, các hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi mỗi cuối tuần.

Phiên chợ mở cửa 10-21h thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Không chỉ tiểu thương, ai có những món đồ độc đáo muốn trao đổi, mua bán cũng có thể đăng ký gian hàng.

“Phiên chợ như điểm hội tụ của những người cùng ‘gu’ thẩm mỹ với nhau nên dễ tìm được sự đồng điệu. Mới mở nhưng phiên chợ mua bán rất nhộn nhịp do tìm đúng ‘tệp khách hàng’, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì nơi đây lâu dài, như một điểm hẹn hàng tuần của người dân khi ghé khu Thảo Điền”, anh Nam cho biết.

Bạn Thanh Thảo (23 tuổi) lần đầu đến phiên chợ nhưng đã “ngập lặn” tại gian hàng quần áo và phụ kiện tới 3 giờ đồng hồ. Thảo và người bạn đi cùng lựa được một đôi giày xuất xứ Nhật và một chiếc váy voan với giá chưa tới 500.000 đồng.

Từng đi nhiều hội chợ cuối tuần nhưng với Thảo đây là phiên chợ đặc biệt nhất vì có nét riêng biệt không tìm thấy ở nơi nào. Cô gái trẻ quyết định rủ thêm bạn bè ghé đến phiên chợ vào tuần sau để lựa chọn thêm một số đồ gia dụng phù hợp với không gian nhà ở.

“Tôi từng đi nhiều phiên chợ cuối tuần nhưng phiên chợ này lại đặc biệt hơn do chỉ bán hàng phong cách vintage. Mỗi món đồ sẽ là một câu chuyện khác nhau về nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu và giá cả thì phải chăng”, Thảo nói.

Exit mobile version