Trang chủ Văn hóa Nhiều người Hong Kong phải nhặt đồ ăn thừa trong dịch

Nhiều người Hong Kong phải nhặt đồ ăn thừa trong dịch

Hàng ngày, Cindy Chan, một phụ nữ trong độ tuổi tứ tuần, lại xuất hiện ở trung tâm mua sắm Dragon Center trong bộ quần áo cũ và chiếc khẩu trang bạc màu.

Không ngắm nghía những gian hàng khác, Chan đi thẳng tới chiếc tủ lạnh “Gift and Take” – nơi cung cấp thực phẩm quyên góp cho người gặp khó khăn.

Bánh quy, đồ hộp là những món mà cô muốn lấy về. Có lúc, Chan buộc phải tìm đồ ăn thừa mà thực khách khác bỏ lại trên bàn.

“Bạn bè hỏi tôi vì sao lại rơi vào cảnh này. Tôi không còn cách nào khác. Tôi chỉ cố tìm thức ăn khô như khoai chiên, gà viên, bánh mì thừa vì chúng có vẻ hợp vệ sinh hơn”, Chan bật khóc với SCMP.

Chan là một trong những cư dân thất nghiệp, nghèo khó tại Hong Kong. Cuộc sống của họ càng thêm khó khăn dưới ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 5 cùng vài biện pháp kiểm soát dịch bệnh cứng rắn của chính quyền.

Cô Chan sống dựa vào việc nhặt thức ăn thừa ở trung tâm thương mại và thực phẩm hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.

Đói nghèo vì đại dịch

Theo SCMP, các tổ chức từ thiện và phi chính phủ cho biết nhu cầu về dịch vụ cấp thức ăn miễn phí cho người nghèo đã tăng vọt gần đây. Đáng nói, số lượng người trẻ trong độ tuổi 20 rơi vào cảnh thiếu thốn, mất kế sinh nhai có xu hướng tăng.

Chan từng là một nhân viên bán hàng, song đã thất nghiệp suốt 2 năm qua do dịch bệnh. Cô bị viêm khớp, phát ban trên tay, và sống dựa vào khoản trợ cấp mỗi tháng.

Cô đã cố tìm việc nhưng chưa có kết quả. Nhìn đôi tay chai sần của mình, Chan kể nhiều người không muốn thuê cô làm việc.

“Tôi không thể làm bồi bàn vì vụng về, chẳng thể làm shipper do sức khỏe yếu”, cô nói.

Chiếc tủ lạnh “Gift and Take” và nhiều sáng kiến khác đã được áp dụng để hỗ trợ bữa ăn cho những người gặp khó khăn.

Dữ liệu từ chính phủ vào năm 2020 cho thấy khoảng 1,65 triệu người ở Hong Kong rơi vào cảnh nghèo đói, chạm mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận.

Phát ngôn viên của Bộ Phúc lợi Xã hội cho biết họ đã ủy quyền cho các tổ chức phi chính phủ vận hành dịch vụ hỗ trợ lương thực ngắn hạn để chu cấp đồ ăn và nước uống cho những người có nhu cầu trong tối đa 8 tuần và có thể kéo dài thời hạn.

Năm 2020, có 19.438 cư dân đăng ký dịch vụ này, tăng 48% so với năm 2019. Con số này đã tăng lên 21.987 người vào năm ngoái.

Trưởng đặc khu Carrie Lam cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp tại Hong Kong sẽ tiếp tục có xu hướng xấu đi. Theo số liệu gần nhất, có khoảng 157.900 người thất nghiệp.

Ngày 18/3, chính quyền đã đưa ra hơn để trợ cấp tiền lương cho người sử dụng lao động, khoảng để hỗ trợ người thất nghiệp trong dịch.

Park (52 tuổi), chủ tiệm ăn Hàn Quốc ở trung tâm mua sắm Dragon Center, nói ông từng nhìn thấy một vài người tới tìm đồ ăn thừa ở khu ẩm thực trong 2 tháng qua.

“Đó là một thanh niên tầm 20 tuổi và 2-3 người đàn ông lớn tuổi. Cứ mỗi 2 hôm, họ lại tới đây và trông rất đói bụng. Họ nhặt bất cứ thực phẩm thừa nào, nhân viên tại trung tâm cũng mặc kệ họ”, ông Park nói.

Người trẻ gặp khó

Willie Ng Chung-leung, người sáng lập tổ chức Từ thiện Trái tim Shirley, nói anh đã bắt gặp khoảng 40 cư dân bới rác trên khắp đường phố, khu ẩm thực.

Vì thế, anh và các đồng nghiệp đã phát bữa ăn miễn phí cho những người gặp khó khăn với hy vọng giúp đỡ họ.

“Trong số họ có cả người trẻ, người cao tuổi, người mắc bệnh tâm lý hoặc gặp vấn đề về cảm xúc. Còn lại, đa số là người vô gia cư, thất nghiệp lâu năm”, anh nói.

Ng nói thêm rằng họ đều nộp đơn xin trợ cấp xã hội nhưng bị vướng mắc bởi nhiều lý do như thủ tục phức tạp, thiếu giấy tờ…

Số lượng người trẻ thất nghiệp, nghèo khó, phải đi kiếm thức ăn thừa và đăng ký hỗ trợ từ các tổ chức xã hội có xu hướng tăng.

Một đại diện từ chương trình hỗ trợ và giải cứu thực phẩm Food Angel nhận xét chỉ một tuần sau Tết Nguyên đán, đã có 6.000 người đăng ký dịch vụ hỗ trợ đồ ăn của họ.

“Nhu cầu tăng cao đột ngột. Số lượng ứng viên nộp đơn trong tuần đó đã vượt xa con số 5.000 cư dân từng đăng ký trong quá khứ. Chúng tôi đã bị sốc”, cô nói.

Chương trình này sẽ cung cấp 45 phiếu giảm giá mỗi tháng để mua đồ ăn tại quầy bán thực phẩm tự động ở các quận khác nhau, kéo dài tối đa một năm. Dịch vụ đó nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Người đại diện này cho biết trước đây, nhóm đối tượng đăng ký dịch vụ chủ yếu là người cao tuổi. Song, điều này đã thay đổi.

“Trong đợt mở đơn mới, có nhiều ứng viên là giới trẻ trong độ tuổi 20. Nhiều người trong số họ đã mất việc trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì lệnh phong tỏa. Họ đang đứng trên bờ vực thẳm và buộc phải tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội”, cô nói.

Exit mobile version